Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Tái Sơn - Huyện Tứ Kỳ

23/4/2023  |  English  |  中文

Di tích, danh thắng - Xã Tái Sơn

Chùa Tố Quang và Đình Thượng Sơn xã Tái Sơn không chỉ đơn thuần là nơi thờ cúng linh thiêng của cộng đồng, là không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, mà còn là “chứng nhân” của lịch sử, cùng trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của thời gian; ngày hôm nay Ban biên tập trang thông tin điện tử xã xin giới thiệu tới mọi người hai “chứng nhân” lịch sử của quê hương  đó chính là Chùa Tố Quang thôn Trung Sơn và Đình làng Thượng Sơn.

1. Chùa Tố Quang - Tự hào Ngôi Chùa cổ quê nhà

Đường link Video giới thiệu di tíchhttps://youtu.be/PzR8YKGx60Y
Đường link chỉ dẫn tới di tíchhttps://goo.gl/maps/APavvUPR9YnKd9TY6

Chùa Tố Quang thôn Trung Sơn có tên tự là “ Tố Quang Tự”, từ xa xưa cho đến nay, Chùa Tố Quang vẫn luôn là một trong những địa danh thờ tự linh thiêng có tiếng ở xứ tỉnh Đông. Bởi một lẽ, mỗi khi du khách thập phương và nhân dân phật tử về đây thăm quan, chiêm bái đều cảm nhận được sự linh thiêng và tâm tịnh.
 
(Cổng vào di tích Chùa Tố Quang - thôn Trung Sơn) 
 
(toàn cảnh di tích) 

Về thăm di tích Chùa Tố Quang, thôn Trung Sơn du khách có thể xuất phát từ Trung tâm Thị Trấn Tứ Kỳ theo đường 391 đi Tp Hải Dương khoảng 4km, rẽ trái vào xã Tái Sơn, đi tiếp khoảng 1 km rẽ phải vào thôn Trung Sơn – nơi có di tích.  

 Đường chỉ dẫn về di tích: https://goo.gl/maps/APavvUPR9YnKd9TY6
         Theo các Thư tịch và văn Bia của Chùa còn lưu giữ, chứng tích tên Chùa là Tố Quang Tự. Ngôi chùa đã có từ thế kỷ 11, gắn liền với lịch sử của vị Thành Hoàng Làng là Viết Vinh Lang Hoàng tử con của Vua Lý Thái Tông có công “ khai Quốc công thần” dưới triều đại nhà Lý năm 1039.

Khi ấy thôn Trung Sơn có 4 dòng họ ( Phan, Trần, Phạm, Nguyễn) đã lần lượt về đây sinh cơ lập nghiệp. lúc ấy nơi đây còn là một vùng biên giới phía Đông của nước Đại Việt, có bến sông, bãi chợ, thuyền bè ra vào tấp nập nên làng bấy giờ có tên là làng Bến. Tổ tiên thời ấy đã chọn gò đất cao nhất trong làng thế đất hình đầu một con Rồng, hai bên có hai giếng nước tượng trưng cho hai mắt Rồng, thân Rồng chính là con đường chạy thẳng ra xứ Đồng Giếng hiện nay. Ngôi chùa chính tọa lạc trên thế đất có tủ tứ linh, sơn, thủy hữu tình nơi hội tụ khí linh thiêng của trời đất.

Sau đây xin mời Quý vị và các bạn cùng vào bên trong Chùa để cùng tham quan di tích.

Năm 2010 Chùa Tố Quang thôn Trung Sơn xã Tái Sơn được UBND tỉnh Hải Dương xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

Như nhiều ngôi Chùa làng của người Việt tại đồng bằng Bắc bộ, chùa Tố Quang là nơi thờ Phật theo thiền phái Đại Thừa. Đây là dòng thiền “ Lấy cái đại chúng, lấy lòng từ bi bác ái mà tu tập, không chỉ để cứu mình mà còn để cứu cho nhiều người khác”.

 
(Gian thượng điện) 
 
 

 
(Bài trí Tượng bên trong Chùa) 

Trước chùa là Cổng tam quan uy nghi, xung quanh di tích 3 mặt là ao và giếng bao bọc, đi từ cổng Chùa vào ta có thể thấy 2 bên là giếng nước tượng trưng cho hai mắt Rồng, ở giữa 2 giếng nước có Lầu quan thế âm bồ tát đứng trên hồ nước; Cảnh quan xung quanh di tích đẹp và có nhiều cây cổ thụ.


 
 

        Khu vực điện thờ được bố trí 3 nhà; Nhà mẫu, nhà tam bảo và nhà tổ;

Ở chính giữa được xây cao hơn đó là nhà Tam bảo; nhà Tam bảo có kiến trúc kiểu chữ Đinh với hoa văn kiến trúc cổ gồm 3 gian tiền đường và 3 gian hậu cung nối liền nhau tạo thành không gian thờ tự khép kín. Mặt tiền quay về hướng Đông Nam. Nóc tam bảo có ghi 3 chữ hán, bờ cánh có 3 trụ đấu, tượng trưng cho 3 thời của nhà Phật: quá khứ, hiện tại và vị lại.

 
 
(Cây cổ thụ tại di tích) 

Bên trong tam bảo của Chùa được chia thành gian tiền đường và gian thượng điện, hai gian còn lưu giữ nhiều pho tượng có niên đại, một chuông đồng, với nhiều bức đại tự, câu đối ca ngợi đạo pháp và đức Phật.

Gian thượng điện các Pho tượng phật xếp làm 5 lớp, bên trên là các cửa võng được trạm trổ rất cầu kỳ, đạt trình độ nghệ thuật cao.

 
 


Năm 1949, 3 ngôi tháp thờ 3 vị Sư tổ bị trúng đạn pháo của thực dân Pháp. Đến năm 2002 nhân dân thôn Trung Sơn đã khôi phục và xây dựng mới 3 ngôi tháp thờ ở phía trước Chùa.

Chùa Tố Quang không chỉ là một địa chỉ văn hóa tín ngưỡng tâm linh của quê hương Tái Sơn, mà còn là một di tích lịch sử văn hóa cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Chùa Tố Quang còn là nơi che giấu cán bộ cách mạng, là nơi ẩn náu của Bộ đội du kích chống giặc càn quét bảo vệ quê hương, Nhiều năm Chùa còn là nơi mở các lớp bình dân học vụ, lớp dạy chữ cho trẻ em trong Làng. Đặc biệt là trận lũ lụt năm 1971 Chùa là nơi tạm trú cho hàng trăm hộ dân trong Làng được an toàn.

 
 

Trải qua nhiều thế kỷ với biết bao thăng trầm của lịch sử, nhưng hiện nay Chùa Tố quang vẫn còn đó, như một chứng tích của thời gian, một thời hào hùng của ông cha ta để lại. Với những giá trị văn hóa ẩn tàng trong khối kiến trúc bình dị mà uyên thâm giá trị nhân văn sâu sắc. Trải suốt chiều dài gần 1000 năm , chùa Tố quang vẫn tồn tại mở rộng cửa từ bi che trở cho dân làng được bình an thịnh vượng.



Cho đến nay Chùa Tố quang vẫn luôn được các cấp chính quyền và nhân dân địa phương trân trọng gìn giữ bảo quản chu đáo. Tuy ngôi Chùa đã trải qua nhiều lần tu sửa, nhưng vẫn giữ nguyên được nét cổ kính từ thời xã xưa tổ tiên để lại.

Và hôm nay, những người con của quê hương Tái Sơn mang trong mình dòng máu lạc hồng, lại vinh dự và tự hào về quê hương đất nước, nguyện đem hết sức mình kế thừa và phát huy gìn giữ những giá trị văn hóa quê hương, đồng thời cùng nhau chung tay góp phần công đức xây dựng Chùa Tố Quang ngày càng khang trang tố hảo, làm đẹp thêm nét văn hóa cho quê hương hôm nay và muôn đời sau.

Nếu đến Tái Sơn rất mong quý vị và các bạn hãy cùng ghé thăm di tích lịch sử văn hóa Chùa Tố Quang.

2. ĐÌNH LÀNG THƯỢNG SƠN - CHỨNG NHÂN LỊCH SỬ QUÊ HƯƠNG

Đường link chỉ dẫn tới di tích: https://goo.gl/maps/StVd94q4REBVx2kE8

 

 

 
(Cổng vào di tích) 
 
 

(mặt trước di tích) 
 


Đình làng Thượng Sơn là di tích lịch sử cấp tỉnh thuộc xã Tái Sơn, huyện Tứ Kỳ, được UBND tỉnh Hải Dương công nhận năm 2015. Đình nằm cách Trung tâm thành phố Hải Dương khoảng 15km về hướng Đông Nam, cách trung tâm huyện Tứ Kỳ 4km về hướng Tây. Đình tọa lạc tại trung tâm thôn Thượng Sơn trên khu đất rộng và bằng phẳng, có nhiều cây xanh bên cạnh giếng đình quanh năm nước xanh mát. Phía trước là đường liên huyện 191C được trải nhựa rộng rãi.

 
(Bằng xếp hạng di tích cấp Tỉnh năm 2015)  
 
 



 
 

Đình Thượng Sơn là công trình văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương, Căn cứ vào kết quả khảo sát, điền dã; căn cứ vào tài liệu Thần tích - thần sắc năm 1938 do Lý trưởng, Kỳ hào kê khai, hiện được lưu trữ tại Viện thông tin khoa học xã hội Hà Nội; căn cứ vào văn bia hiện còn được lưu giữ tại đình Thượng Sơn và lưu truyền trong nhân dân: Đình Thượng Sơn tôn thờ Thành hoàng có tên là Lý Nhật Vinh hay còn gọi là Vinh Lang Hoàng tử, con thứ hai của vua Lý Thái Tông (1028-1054), có công đánh giặc Chiêm Thành và giặc Ai Lao, thống nhất đất nước. Ngoài ra khi còn sống, Vinh Lang Hoàng tử có một thời gian dài sống cùng nhân dân trong trang Ngọc Tái, tập hợp và lãnh đạo nhân dân góp công đuổi giặc xâm lược bảo vệ quê hương, đất nước. Khi hòa bình thì khoan thư sức dân, yêu thương và che chở cho nhân dân, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong trang. Để tưởng nhớ, tri ân công đức của Vinh Lang Hoàng tử, khi Ngài hóa nhân dân thôn Thượng Sơn đã dựng miếu và đình làm nơi phụng thờ và tưởng nhớ, coi Ngài như vị Thành hoàng làng bảo vệ, che chở cho mình.

Đình Thượng Sơn được khởi dựng từ khá sớm vào thời kỳ hậu Lê khoảng TK XVII-XVIII. Ban đầu di tích có quy mô khá rộng nằm ẩn sâu bên trong làng, xung quanh bao bọc bởi nhà dân, di tích gồm 5 gian, 4 mái, kiến trúc mang đậm phong cách thời hậu Lê.

Vào đầu thời Nguyễn thế kỷ XIX, di tích được nhiều lần trung tu gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung, một số yếu tố thời hậu Lê vẫn được lưu trữ tạo nên sự đan xen kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Đình thời Nguyễn và thời hậu Lê càng thêm uy nghi và cổ kính.

Tiếp đó vào những năm 20 đầu thế kỷ XX thực dân Pháp đã tận dụng di tích làm nơi dạy học Pháp văn. Để phù hợp cho các lớp học với khá đông học sinh, 5 gian đại bái được sửalại rộng rãi hơn. Năm 1948 thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” ngôi Đình được giải hạ ngăn cản việc thực dân Pháp dùng Đình làm nơi đóng bốt, lập tề hóng đàn áp phong trào kháng chiến của địa phương; Tại khu vực di tích cũng là nơi chứng kiến tội ác của thực dân Pháp khi kết cấu với bè lũ tay sai bắt cán bộ cách mạng của ta đem về tra tấn đánh đập… điển hình là đồng chí Phạm Huy Lệnh khi ấy là Bí thư xã đã bị chúng trói chân tay, treo ngược lên cây, dùng rùi cui đánh đập. Năm 1951 nhân dân trong xã cùng đơn vị bộ đội huyện nhà đã chiến đấu phá tan bốt địch và diệt tề thắng lợi tại Đình. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Đình Thượng Sơn trở thành nơi tập kết tiễn đưa hàng trăm con em địa phương lên đường bảo vệ Tổ quốc.

Đến năm 1982 đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương ngôi đình được phục dựng trên nền đất cũ với quy mô nhỏ chỉ có 3 gian đại bái.

Năm 2012 thể theo nguyện vọng đông đảo các tầng lớp nhân dân, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng với nhân dân làng Thượng Sơn vận động các nhà tài trợ quyên góp tiền và công sức trùng tu lại ngôi Đình trên quy mô lớn. Hiện tại công trình có kiến trúc kiểu chứ Đinh gồm 5 gian đại bái, 3 gian hậu cung, kết cấu kiến trúc kiểu đao tàu déo góc.

Một số hình ảnh bên trong di tích Đình làng: 
 
 
 
 
 



Mặc dù đã được trùng tu những năm gần đây nhưng Đình Thượng Sơn còn bảo lưu được nhiều nét văn hóa kiến trúc truyền thống như ngày đầu khởi tạo. Từ ngoài vào là Nghi môn được xây dựng theo kiểu tứ trụ, Qua Nghi môn về bên trái là giếng cổ và cây đa đã tồn tại cùng di tích, trước giếng là nhà bia được tạo dựng năm 2012 nội dung ghi tên những người hưng công đóng góp tiền của trùng tu ngôi đình. Sân đình được chia làm 2 phần: một phần được trải bê tông khá sạch sẽ, phần còn lại nhỏ hơn lát gạch Bát tràng vuông đỏ là nơi diễn ra các buổi tế lễ.


 

(Nghi thức tế Thành hoàng làng tại sân Đình) 
             Sự hài hòa giữa kiến trúc và điêu khắc là đặc điểm bao trùm của toàn bộ công trình. Ở đây, ngoài những dụng công trong nghệ thuật kiến trúc ra thì vẻ đẹp của nghệ thuật điêu khắc được thể hiện ở các mảng chạm khắc dày đặc trên các đầu kẻ bẩy, các bức cốn mê đến các con rường... Những mảng chạm khắc ấy đã làm tròn chức năng thẩm mỹ, góp phần làm tôn lên vẻ đẹp của đình. Đề tài trang trí là hình long hý thủy, hình văn kỉ hà cách điệu, hình lá lật,…mang phong cách thời hậu Lê và thời Nguyễn. Hơn nữa, các cấu kiện kỹ thuật ở đình còn trở thành cái truyền tải các đề tài trang trí mang nguồn gốc dân dã và đầy chất biểu trưng.

Những hiện vật có trong di tích gồm: các hiện vật bằng gỗ, ngai thờ, đại tự, long đình; các hiện vật bằng gốm, sành, sứ, đá: bát hương, đèn hay các di sản Hán Nôm hoành phi, câu đối, bài vị và đạo sắc.

 
 
 


Cách Đình khoảng 300m về hướng Đông Nam là ngôi Miếu thờ Thành hoàng làng được khởi dựng từ thời Lý khoảng nửa cuối thế kỷ XI. Miếu được tọa lạc trên thế đất “rồng ẩn linh thiêng” của làng, xung quay được nhân dân đào một mương lớn, trồng nhiều cây xanh cổ thụ rợp bóng mát quanh năm tạo vẻ đẹp cho cảnh quan khu Miếu. Tuy nhiên do tàn phá của thiên nhiên và chiến tranh, ngôi Miếu kể trên không còn nữa, cũng giống như di tích Đình một thời gian dài khu đất bị bỏ hoang. Phải đến năm 1982 nhân dân làng Thượng Sơn mới phục dựng ngôi Miếu nhỏ trên nền đất cũ để thờ cúng Ngài. Hiện nay ngôi Miếu đã được sửa sang lại bằng bê tông cốt thép, đường từ Đình ra Miếu còn được mở rộng và nắn thẳng tạo điều kiện cho nhân dân và quan khách hàng năm ra Miếu dâng hương và tế lễ được dễ dàng.

         Đường link chỉ dẫn tới Miếu nơi thờ Thành hoàng làng:  https://goo.gl/maps/meTmRwkdwSmtb1Zr6
 
 
 (Toàn cảnh Miếu thờ Thành hoàng)
 
 
(Nghi thức Tế Thành hoàng làng tại Miếu) 
 
 
 
(nghi thức rước Thành hoàng làng từ Miếu về Đình làng) 

Cạnh ngôi Miếu thờ Thành hoàng làng là một ngôi mộ cổ có từ hàng trăm năm trước, tương truyền đây chính là ngôi mộ chôn cất Thành hoàng làng sau khi Ngài hóa. Năm 1982 khi tu sửa miếu, nhân dân cho xây dựng một ngôi mộ bằng gạch chỉ. Gần đây ngôi mộ được tu sửa rộng rãi hơn, xung quanh ốp gạch tráng men màu đỏ tím; Hiện tại ngôi mộ nằm ngày bên cạnh Miếu, có một đường nhỏ trải bê tông.

         Đình làng Thượng Sơn là công trình văn hóa tín ngưỡng có giá trị về nhiều mặt, đặc biệt là giá trị kiến trúc nghệ thuật. Bên cạnh giá trị nghệ thuật, đình Thượng Sơn còn là trung tâm văn hóa, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Hội đình tổ chức vào các ngày 19,20 tháng 11 âm lịch hàng năm. Vào những ngày này, người dân địa phương và con em quê hương từ khắp mọi nơi quy tụ về tại cửa đình để làm lễ tế, lễ dâng hương để tỏ lòng biết ơn tới vị thành hoàng làng và cũng là để cầu tài, cầu lộc, cầu bình an cho nhân dân. Ngoài ra hội đình còn tổ chức rất nhiều những hoạt động trò chơi dân gian khác như: giao lưu văn nghệ, bóng chuyền, cờ tướng, đi cầu thùm, bắt vịt … thu hút được rất đông đảo người dân đến tham gia và cổ vũ.





 
 
 (Một số hình ảnh giao luu văn nghệ, trò chơi tại Lễ hội)
 

Những năm gầy đây lễ hội truyền thống cũng dần được khôi phục, mỗi năm được tổ chức một lần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân. Đồng thời góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiều hơn về lịch sử và truyền thống của quê hương tạo nên sự gắn kết cộng đồng.

          Đình làng Thượng Sơn đã lưu lại được những di tích truyền thống của người dân làng Thượng Sơn nói riêng, con người Việt Nam nói chung mang đậm tâm hồn Việt Nam, bản sắc, cốt cách Việt Nam từ đời này qua đời khác. Quý khách gần xa hãy về nơi đây, thăm và vãng cảnh Đình sẽ thấy nét đẹp truyền thống của làng quê Thượng Sơn chúng tôi đi vào lịch sử. Là thế hệ con cháu chúng tôi sẽ gìn giữ, bảo vệ, tu bổ và tôn tạo di tích đình làng ngày càng xanh, sạch và đẹp hơn, để cho hậu thế hôm nay và mai sau.

Phạm Tuyên: CC VH-XH